Phát triển HTX để thúc đẩy ngành hàng chủ lực
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh An Giang, năm 2023 chỉ tiêu thành lập mới ít nhất 34 HTX nông nghiệp để phục vụ phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, gồm 27 HTX theo chỉ tiêu năm 2023 và bổ sung thêm 7 HTX chưa đạt chỉ tiêu của năm 2022. Có ít nhất 30% số HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp (DN) hoặc có DN tham gia vào tổ chức và hoạt động của HTX. Đồng thời phát triển ít nhất 5% THT trên tổng số THT hiện có tại địa phương được nâng chất, phát triển lên HTX để liên kết với DN tiêu thụ nông sản, tạo nền tảng phát triển thành chuỗi giá trị theo từng ngành hàng.
Việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng, ổn định lâu dài với yêu cầu của thị trường và tiềm năng của tỉnh tiếp tục tăng. Diện tích liên kết năm 2023 trên địa bàn An Giang đối với lúa, nếp, khoảng 30 DN có kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ, diện tích 399.150ha, gấp 3 lần năm 2022. Với rau màu, có 8 DN lớn có kế hoạch liên kết và tiêu thụ, diện tích 9.670ha. Diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 19.545ha, trong đó có 13.597ha đang cho trái, nhiều nhất là xoài 10.647ha, sản lượng 225.645 tấn; chuối, nhãn, mít, sầu riêng và cây có múi 2.950ha, sản lượng khoảng 40.412 tấn. Đến nay, có 10 DN liên kết và tiêu thụ, diện tích 2.230ha xoài và sầu riêng; diện tích cây ăn trái còn lại được hầu hết các vựa, thương lái thu gom và cung cấp trực tiếp lại cho DN theo hình thức cam kết. Trái cây An Giang còn được cung cấp cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh.
Với số lượng vật nuôi xuất chuồng tại các trại chăn nuôi có hợp đồng liên kết sản xuất với DN trong năm 2023 tăng khá. Trong đó, gia súc lớn (trâu, bò) khoảng 1.500 con; gia súc nhỏ (thỏ, dê, heo…) 20.100 con; gia cầm 1,5 triệu con. Với cá tra, diện tích liên kết khoảng 1.200ha, sản lượng của các chuỗi liên kết 380.000 tấn. Các đối tượng thủy sản khác, diện tích liên kết nuôi lươn thương phẩm 22ha, lươn giống 2ha; ếch 2,5ha; cá lóc 4ha.
Trong liên kết lĩnh vực lâm nghiệp, dự kiến trồng 600 cây chúc (Citrus hystrix), 5.000 cây xạ đen (Celastrus hindsii) hoặc một số loài dược liệu khác (chanh dây, ngải, gừng) trong năm 2023. Đối với nấm rơm, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thu gom rơm rạ trồng nấm, hỗ trợ thành lập HTX chuyên sản xuất nấm rơm, nâng cấp các thương lái tại địa phương thành các cơ sở, DN, từ đó hình thành các HTX liên kết sản xuất nấm. Còn với nấm bào ngư, tiếp tục mời gọi, tìm kiếm DN tiêu thụ các sản phẩm nấm bào ngư theo hình thức liên kết chuỗi sản phẩm.
An Giang hiện có 33 HTX trên địa bàn ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, như trồng dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; trồng chanh bông tím ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp sử dụng điều khiển qua điện thoại thông minh; nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP; hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời… Các HTX này tập trung tại các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn ở các huyện Thoại Sơn, An Phú, Phú Tân, Tri Tôn và Châu Phú.
Đến nay, có 5 HTX được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, gồm: HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (sản phẩm nước ép xoài), HTX Nông nghiệp An Bình (gạo An Bình 1), HTX Thương mại dịch vụ du lịch Khánh Hòa (nhãn xuồng), HTX Nông nghiệp Long Bình (xoài keo), HTX Thương mại – dịch vụ – chăn nuôi ếch Khánh Hòa.
Ngân hàng lưu động sẽ đến tận nơi phục vụ bà con |
Ngân hàng ưu tiên cho vay phát triển KTTT
An Giang tiếp tục hỗ trợ DN hình thành các HTX kiểu mới, có sự tham gia và đồng hành của DN tại các địa phương có nền tảng tốt về liên kết và tiêu thụ sản phẩm, trong đó DN hỗ trợ nhân sự chất lượng cao, vốn và kỹ thuật sản xuất. Đồng thời, lựa chọn một số HTX hoạt động hiệu quả, có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi với DN, tập trung nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các HTX điểm tổ chức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương như áp dụng “1 phải, 5 giảm” đạt xấp xỉ 50%, có nhiều hộ quy mô trang trại và HTX tiếp cận được kỹ thuật mới này. Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái (drone) có nhiều HTX, tư nhân đã mua máy làm dịch vụ. Đưa blockchain vào chuỗi giá trị nông sản thuận lợi cho việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm.
Theo Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ việc cho vay đối với khu vực KTTT, HTX phục vụ sản xuất, kinh doanh. Kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn đến cuối tháng 4 năm 2023, tổng dư nợ cho vay đạt 107.034 tỷ đồng, tăng 4,86% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 83.997 tỷ đồng, chiếm 78,48%. Cho vay trung, dài hạn là 23.037 tỷ đồng, chiếm 21,52%. Cho vay bằng ngoại tệ là 1.574 tỷ đồng, chiếm 1,47%.
Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng giữa đồng nội tệ, ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế. Dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 66.486 tỷ đồng chiếm 63,49% tổng dư nợ, tăng 3,37% so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 15.143 tỷ đồng, tăng 4,52% so với cuối năm 2022; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 13.295 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 11.360 tỷ đồng giảm 1,55% so với cuối năm 2022, chiếm 10,85% tổng dư nợ.
Đặc biệt cho vay các chương trình tín dụng thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ của Agribank chi nhánh An Giang là 183 tỷ đồng, với doanh số cho vay từ đầu chương trình là 790 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là 30,68 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 173 khách hàng, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 2.554 tỷ đồng.Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ với tổng dư nợ là 206 tỷ đồng, với tổng số hộ vay là 508 khách hàng. Các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã thực hiện giải ngân hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho DN, HTX, hộ kinh doanh với tổng doanh số cho vay từ đầu chương trình là 722 tỷ đồng, dư nợ tín dụng là 509 tỷ đồng cho 08 khách hàng, số tiền HTLS là 3,04 tỷ đồng. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Để được ngân hàng đẩy mạnh cho vay KTTT, HTX theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó giám đốc Agribank chi nhánh An Giang, các HTX cần tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản, tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; xây dựng mã số vùng trồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, các HTX cần chú trọng công tác kế toán công khai, minh bạch, rõ ràng là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin trong nội bộ thành viên HTX và với các đối tác; để có đủ điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước nhằm phát huy được sức mạnh tập thể, thu hút mở rộng thành viên, HTX có điều kiện để đa dạng các hoạt động dịch vụ phục vụ thành viên, tăng quy mô hoạt động, sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và tăng thu nhập cho thành viên.